Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Cao Bằng

https://banqlkkt.caobang.gov.vn


Đoàn công tác của tỉnh Cao Bằng khảo sát, học tập kinh nghiệm phục vụ xây dựng Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Trà Lĩnh – Long Bang tại Trung Quốc

Nhận lời mời của Chính phủ nhân dân huyện Tịnh Tây, Quảng Tây, Trung Quốc, được sự cho phép của UBND tỉnh, từ ngày 20-29 tháng 7 năm 2015 đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Lê Thành Chung – Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Cao Bằng làm trưởng đoàn đã đi khảo sát, học tập kinh nghiệm phục vụ xây dựng Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Trà Lĩnh – Long Bang tại Trung Quốc.
Đoàn khảo sát đã tham quan mô hình và được đại diện Ban Quản lý Khu Công nghiệp Tô Châu giới thiệu về tổng thể quy mô, định hướng phát triển của Khu Công nghiệp Tô Châu. Đây là khu công nghiệp hợp tác quan trọng giữa Chính phủ hai nước Trung Quốc và Singapore, được Quốc Vụ Viện phê chuẩn thiết lập và quy hoạch từ tháng 2 năm 1994, bắt đầu thực hiện từ tháng 5/1994. Diện tích khu hành chính là 278 km2, trong đó khu hợp tác Trung Tân là 80 km2, có 4 con đường chủ đạo, dân số khoảng 78,1 vạn người. Năm 2014 tổng giá trị sản xuất khu vực là 2.000 tỷ nhân dân tệ; dịch vụ tài chính công cộng thu được 228 tỷ nhân dân tệ; vốn nước ngoài thực tế là 19,6 tỷ USD, tổng kim ngạch XNK 800 tỷ USD, đầu tư tài sản cố định 700 tỷ nhân dân tệ; tổng kim ngạch bán lẻ hàng tiêu dùng xã hội là 310 tỷ nhân dân tệ, dân cư thành phố và thị trấn thu nhập bình quân đầu người đạt 5,35 vạn đồng. Liên tục nhiều năm liền đứng đầu bảng danh hiệu “ khu vực mở rộng có tính cạnh tranh nhất thành phố Trung Quốc” , chỉ số phát triển tổng hợp đứng thứ hai khu vực mở rộng cấp quốc gia, đứng thứ nhất tỉnh Giang Tô về khu vực trả lương cao cấp quốc gia.

Là khu công nghiệp được xây dựng với quy mô lớn, hiện đại thu hút các nhà đầu tư lớn trên thế giới đến đầu tư trên các lĩnh vực với trình độ công nghệ cao như sản xuất thuốc, điện tử và đào tạo giáo dục, y tế chất lượng cao.Trong khu công nghiệp có đầy đủ bộ máy chính quyền để quản lý các hoạt động hành chính, dân cư và thành lập một trung tâm giao dịch một cửa hiện đại để cung cấp các thủ tục hành chính tại chỗ cho doanh nghiệp và người dân. Khu công nghiệp được quản lý rất nghiêm ngặt về quy hoạch, mặc dù đã được phê duyệt quy hoạch từ năm 1994, nhưng đến nay không thay đổi về quy hoạch, việc điều chỉnh hoặc thay đổi quy hoạch cần phải được sự thống nhất giữa chính phủ 2 nước Trung Quốc và Singapore.
Đoàn xem giới thiệu quy hoạch Khu công nghiệp Tô Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc
Đoàn xem giới thiệu quy hoạch Khu công nghiệp Tô Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc
Tại thành phố Mãn Châu Lý, Khu tự trị Nội Mông Cổ, Trung Quốc đoàn đã thăm quan, khảo sát và tìm hiểu hoạt động của cửa khẩu Mãn Châu Lý. Cửa khẩu quốc tế đường bộ là cửa khẩu biên giới lớn nhất của Trung Quốc nằm ngay trong thành phố Mãn Châu Lý, là cầu nối giao thông quan trọng đầu tiên giữa các nước Châu Âu, Châu Á và Đại lục. Là con đường vận chuyển đường biển quan trọng nhất và tiện lợi nhất từ Trung Quốc và khu vực Hoàn Bột Hải đến Nga và Châu Âu. Năm 2012 cửa khẩu Mãn Châu Lý đã được chính phủ Trung Quốc xác nhận là “Khu thí điểm khai thác và mở cửa trọng điểm của Quốc gia”. Năm 2013 được cửa khẩu quốc gia bình chọn là “ cửa khẩu tiên tiến quản lý vận hành toàn quốc” , nhiều năm liền đạt danh hiệu “ cửa khẩu văn minh quốc gia”. Cửa khẩu đường sắt được khai thông từ năm 1901, hiện tại là cửa khẩu đường sắt có năng lực nhất, quy mô lớn nhất tại Trung Quốc, năng lực vận chuyển tổng hợp hàng năm là 7000 vạn tấn. Cửa khẩu đường bộ là cửa khẩu quốc tế duy nhất tại Trung Quốc thực hiện thông quan suốt 24/24h, hàng năm lượng người qua lại đạt 1200 vạn lượt người, lượng xe đạt 120 vạn lượt xe, hàng hóa đạt 600 vạn tấn. Cửa khẩu hàng không mở cửa đối ngoại từ tháng 5 năm 2009, mở ra nhiều tuyến hàng không quốc tế từ Mãn Châu Lý đến Chita Nga, Ulanude, Irkutsk, krasnoyarsk và đến Kiều Ba Sơn, Ulaanbaatar của nước Mông Cổ…
Đoàn khảo sát tại cửa khẩu Mãn Châu Lý
Đoàn khảo sát tại cửa khẩu Mãn Châu Lý
Khu mậu dịch tự do Trung – Nga được quy hoạch xây dựng ngay sát cửa khẩu quốc tế đường bộ từ năm 1992, hai bên đã thống nhất quy hoạch đồng bộ và có sự kết nối giữa hai bên, phía Trung Quốc đã tiến hành xây dựng cơ bản xong về hạ tầng khu mậu dịch, hiện nay đã đưa vào hoạt động các hạng mục như: Cửa hàng miễn thuế, trung tâm thương mại, nhà triển lãm trưng bày tranh… Đối với phía Nga do nhiều nguyên nhân khác nhau nên đến nay vẫn chưa triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, hoạt động của khu mậu dịch hiện nay chủ yếu diễn ra ở phía Trung Quốc (trong đó có rất nhiều hàng hóa của Nga).

Phía Trung Quốc thành lập Ban quản lý Khu mậu dịch để quản lý, hướng dẫn các hoạt động của khu mậu dịch, cũng tại đây Đoàn khảo sát đã có buổi Hội đàm với Ban Quản lý khu mậu dịch Trung – Nga thành phố Mãn Châu Lý. Tại buổi Hội đàm đ/c Liêu Thường Quân - Phó Chủ nhiệm Ban quản lý khu mậu dịch biên giới Trung Nga  đã giới thiệu mô hình, quy mô và lịch sử phát triển của cửa khẩu Mãn Châu Lý, các bên đã cùng nhau trao đổi tiếp thu những ý kiến đóng góp, cùng nhau học hỏi, rút kinh nghiệm vì một mục đích chung xây dựng những Khu mậu dịch biên giới phát triển góp phần tăng trưởng kinh tế cho quốc gia hai bên.
Ban Quản lý Khu mậu dịch Trung – Nga giới thiệu quy hoạch của hai bên tại cửa khẩu Mãn Châu Lý
Ban Quản lý Khu mậu dịch Trung – Nga giới thiệu quy hoạch của hai bên tại cửa khẩu Mãn Châu Lý
Tiếp tục chuyến công tác, ngày 27/7/2015 đoàn đến khảo sát tại tại khu cảng bảo thuế Tiền Hải và cửa khẩu Hoàng Cương thành phố Thâm Quyến.

Khu cảng bảo thuế Tiền Hải nằm tại phía Tây khu cảng Thầm Quyến, phía Đông của cửa ra biển sông Châu Giang, là một phần rất quan trọng của khu hợp tác dịch vụ hiện đại cảng nước sâu Tiền Hải. Khu bảo thuế được thành lập vào ngày 18 tháng 10 năm 2008, nghiệm thu vào ngày 10 tháng 7 năm 2009, cuối năm 2009 chính thức vận hành. Khu bảo thuế có diện tích 3,71km2 (khoảng 371 ha), diện tích có hàng rào giai đoạn I là 1,176km2, gồm 0,456 km2 khu tác nghiệp cầu cảng và 0,72 km2 khu logistics, được giám sát bằng “hàng rào thực tế và hàng rào điện tử”. Tính đến cuối năm 2014, trong khu bảo thuế đã xây dưng xong 08 kho hiện đại, diện tích xây dựng 480.000m2, trong đó kho lạnh 12.000m2, hiệu suất sản xuất tính trên diện tích là số một trong các khu bảo thuế toàn quốc.

Hàng hóa trong khu bảo thuế hoàn toàn miễn thuế, trường hợp hàng hóa ra khu bảo thuế xuất vào nội địa sẽ tính thuế xét theo mỗi đơn hàng, giá trị đơn hàng từ 50 tệ trở lên sẽ phải tỉnh thuế. Việc xe vận chuyển hành hóa ra vào khu bảo thuế đều được kiểm tra giám sát bằng điện tử và thẻ từ, khi xe vào ra vào cổng đã có trạm cân điện tử cân tải được nối với hệ thống giám sát của hải quan.
Thăm quan dây truyền đóng gói sản phẩm trong Thu bảo thuế Tiền Hải
Thăm quan dây truyền đóng gói sản phẩm trong Thu bảo thuế Tiền Hải
Cửa khẩu Hoàng Cương là cửa khẩu đường bộ tổng hợp về hành khách XNC và hàng hóa XNK lớn nhất Trung Quốc, nằm tại phía Nam khu Phúc Điền thành phố Thâm Quyến, nằm đối diện là Châu Lạc Mã khu Tân Giới Hong Kong cách một dòng sông, phía Nam cửa khẩu có Cầu Hoàng Cương - Lạc Mã Châu nối liền thành phố Thâm Quyến và Hồng Kông. Cửa khẩu này được xây dựng và khai thông kết hợp với công trình đường cao tốc Hoàng Cương - Lạc Mã Châu. Cửa khẩu được bắt đầu xây dựng vào tháng 5 năm 1985, đến ngày 29 tháng 12 năm 1989 bắt đầu thông quan về phần XNK hàng hóa, đến ngày 8 tháng 8 năm 1991 bắt đầu khai thông về phần XNC hành khách. Từ ngày 3 tháng 11 năm 1994, khai thông hai luồng kiểm tra hàng hóa vận hành 24h, trong đó có luồng chuyên dụng dành riêng cho xe không tải. Từ ngày 27 tháng 1 năm 2003, luồng hành khách XNC vận hành 24h.
Nghe giới thiệu khu logistic tại cửa khẩu Hoàng Cương, thành phố Thâm Quyến
Nghe giới thiệu khu logistic tại cửa khẩu Hoàng Cương, thành phố Thâm Quyến
Đến ngày 29/7/2015 đoàn xuất cảnh về nước  qua cửa khẩu Trà Lĩnh kết thúc chuyến khảo sát tốt đẹp tại Trung Quốc. Qua chuyến đi khảo sát, học hỏi những mô hình xây dựng Khu Công nghiệp, Khu mậu dịch phát triển mới đoàn đã bổ sung những thông tin và kinh nghiệm xây dựng Khu hợp tác qua biên giới Trà Lĩnh, Việt Nam – Long Bang, và bàn bạc, thống nhất rút kinh nghiệm một số vấn đề với phía Trung Quốc để bổ sung cho sự phát triển của khu hợp tác kinh tế qua biên giới Trà Lĩnh – Long Bang về sau. Đồng thời đã góp phần quảng bá được tiềm năng, thế mạnh và chính sách ưu đãi thu hút đầu tư của tỉnh Cao Bằng đến các Lãnh đạo và doanh nghiệp tại Trung Quốc.

Tác giả bài viết: Lý Quốc Khánh- Trưởng Phòng Kế Hoạch

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây