Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Cao Bằng

https://banqlkkt.caobang.gov.vn


Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh-Xây dựng KKTCK tỉnh trở thành khu vực kinh tế trọng điểm

         Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, Đảng bộ tỉnh Cao Bằng quyết tâm, quyết liệt đổi mới, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo; tập trung thu hút các nguồn lực khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương; Chỉ đạo tháo gỡ 3 điểm nghẽn, nút thắt; huy động nguồn lực để thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó phát triển Kinh tế cửa khẩu (KTCK) đạt được một số kết quả tích cực. Xây dựng Khu KTCK tỉnh trở thành khu vực kinh tế trọng điểm của tỉnh, khai thác hiệu quả tiềm năng thế mạnh phát triển KT – XH địa phương.
        UBND tỉnh đã triển khai và hoàn thành công tác quy hoạch chi tiết tại khu vực các cửa khẩu, lối mở, điều chỉnh quy hoạch đã duyệt. Đang triển khai Quy hoạch chung xây dựng Khu KTCK tỉnh Cao Bằng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Hiện nay, Đồ án quy hoạch chung Khu KTCK tỉnh Cao Bằng đến năm 2040 cơ bản được hoàn thiện trình Bộ Xây dựng thẩm định, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
         Đến nay, trong Khu KTCK tỉnh có 74 dự án đầu tư trong và ngoài nước, trong đó: gồm 9 dự án nước ngoài đăng ký đầu tư 11 triệu USD và 618 tỷ đồng (giải ngân theo tiến độ đăng ký 200 tỷ); 65 dự án đầu tư trong nước đăng ký đầu tư khoảng 12.373 tỷ đồng (giải ngân theo tiến độ đăng ký gần 500 tỷ). Đã có 33 dự án đi vào hoạt động, 35 dự án đang triển khai, bước đầu tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho một bộ phận nhân dân vùng biên giới. Các dự án đã đi vào hoạt động góp phần hoàn thiện hạ tầng phục vụ hoạt động thương mại biên giới, trao đổi, XNK hàng hóa qua địa bàn KKTCK tỉnh Cao Bằng. Giai đoạn 2010-2020, Kim ngạch XNK đạt trên 16,3 tỷ USD, bình quân tăng 25,5%/năm. Tổng thu ngân sách trên 3,8 nghìn tỷ đồng, bình quân tăng 9,3%/năm, góp cho tổng dự toán thu ngân sách trên địa bàn tỉnh khoảng 30-35%/năm.
         Triển khai nhiều hoạt động đối ngoại với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc trên cơ sở thông qua các cơ chế như: Hội nghị Ủy ban công tác liên hợp giữa 4 tỉnh Việt Nam gồm: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang và Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc; Ủy ban Hợp tác cửa khẩu Việt Nam – Trung Quốc; Hai bên tổ chức triển khai thực hiện tốt các    Hiệp định về quản lý cửa khẩu, quản lý biên giới...
           Bên cạnh kết quả đạt được, chính sách phát triển Khu KTCK chưa có chiều sâu, thu hút đầu tư còn chưa có chiến lược cụ thể; chưa tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư lớn có tính lan tỏa và chưa nêu cụ thể nội dung ưu đãi đầu tư đối với từng lĩnh vực trên địa bàn Khu KTCK; chính sách phát triển, quản lý Khu KTCK thường xuyên điều chỉnh gây khó khăn cho việc tiếp cận và phối hợp của các cơ quan liên quan; định hướng chính sách chủ yếu chỉ tập trung định hướng và giải pháp để tăng cường hoạt động thương mại, XNK hàng hóa chưa đánh giá được những thách thức như việc dự báo chính sách biên mậu của Trung Quốc để hoạt động ổn định và bền vững hơn.
         Hạ tầng cửa khẩu mặc dù đã được quan tâm xây dựng, tuy nhiên còn thiếu đồng bộ, một số công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu chưa được đầu tư. Giai đoạn 2010 - 2020, tổng nhu cầu vốn đầu tư khoảng 1.230 tỷ đồng nhưng mới bố trí vốn kế hoạch 859,4 tỷ đồng, tỷ, đáp ứng gần 70% nhu cầu.
Thu hút đầu tư vào Khu KTCK tỉnh chưa đạt được kỳ vọng, chỉ thu hút được 9 dự án vốn FDI đăng ký đầu tư, còn lại là dự án vốn đầu tư trong nước chủ yếu đầu tư kho, bến bãi, chưa tạo được đột phá để phát triển Khu KTCK. Tình hình thực hiện một số dự án đầu tư còn chậm so với thời gian cam kết ghi trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Nhiều lĩnh vực hợp tác giữa Cao Bằng với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc tuy đã ký kết nhưng vẫn chưa được triển khai.
Với lợi thế có trên 333km biên giới tiếp giáp với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc), Khu KTCK của tỉnh có cơ hội để đón dòng vốn FDI đầu tư, giúp tăng cường các nguồn lực phát triển KT – XH, đặc biệt là hoạt động kinh tế biên mậu. Thời gian tới, tỉnh tập trung phát triển Khu KTCK thành trung tâm logistic lớn của cả nước và trở thành cửa ngõ xuất nhập khẩu hàng hóa từ các nước ASEAN vào thị trường Trung Quốc và ngược lại. Hợp tác với Trung Quốc định hướng xây dựng du lịch qua biên giới, trong đó xây dựng khu du lịch Thác Bản Giốc, Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng thành khu du lịch trọng điểm, kiểu mẫu về du lịch biên giới, du lịch xanh, kết hợp với dự án trung tâm thể thao, vui chơi giải trí, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp tại xã Đình Phong (Trùng Khánh).
          Xây dựng, phát triển ngành công nghiệp chế biến nông nghiệp sạch để khai thác thế mạnh về sản vật nông nghiệp của tỉnh, nâng cao giá trị hàng hóa phục vụ cho xuất khẩu bền vững. Khôi phục và phát triển các làng nghề sản xuất tiểu thủ công nghiệp truyền thống kết hợp với du lịch biên giới. Huy động nguồn lực nâng cấp các tuyến đường quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh, nhất là các tuyến đi ra các cửa khẩu; Triển khai dự án đường bộ cao tốc Trà Lĩnh (Cao Bằng) - Đồng Đăng (Lạng Sơn). Đầu tư nâng cấp hoặc sửa chữa các tuyến đường tỉnh kết nối với các cửa khẩu; kết nối các cửa khẩu, lối mở trong Khu KTCK.
         Giai đoạn 2020-2030, tỉnh từng bước thực hiện phát huy 8 lợi thế, tháo gỡ 3 điểm nghẽn và tập trung đột phá 3 thế mạnh. Trong đó, tập trung khai thác phát triển kinh tế biên mậu kết hợp với dịch vụ du lịch để tận dụng lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên; trong dài hạn đến năm 2030 tập trung phát triển ngành công nghiệp chế biến nông - lâm nghiệp phục vụ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, từ đó tạo nhu cầu kích thích phát triển nông- lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn Khu KTCK.
Tại Khu vực cửa khẩu Trà Lĩnh (Trùng Khánh), giai đoạn 2019-2025 nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế và mở lối mở Nà Đoỏng (Việt Nam) – Nà Ráy (Trung Quốc); xây dựng hạ tầng khu trung chuyển hàng hóa nông lâm thủy sản tại khu vực cửa khẩu Trà Lĩnh để sớm hình thành Cảng cạn ICD. Đến năm 2030, hình thành Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Trà Lĩnh (Việt Nam) – Long Bang (Trung Quốc) từ đó khai thác tuyến vận tải Quốc tế từ các tỉnh Tây Nam Trung Quốc qua Cao Bằng đi các nước ASEAN và quốc tế thông qua cảng Hải Phòng trên cơ sở kết nối tuyến cao tốc đường bộ Trà Lĩnh – Đồng Đăng – Hà Nội – Hải Phòng.
         Tại Khu vực cửa khẩu Tà Lùng (Quảng Hòa), đến năm 2025 hoàn thành đầu tư cơ sở hạ tầng trọng điểm để cửa khẩu Tà Lùng trở thành trọng điểm đầu tàu lôi kéo sự phát triển của Khu KTCK tỉnh. Đến năm 2030, gắn kết tuyến hành lang từ Nam Ninh - Sùng Tả - Tà Lùng - Cao Bằng kết nối vào tuyến đường Hồ Chí Minh đi các địa phương phía Tây và gắn vào tuyến hành lang Đông - Tây kết nối với các nước trong khu vực ASEAN.
         Khu vực cửa khẩu Sóc Giang (Hà Quảng), giai đoạn 2020-2025 tập trung khai thác các hoạt động thương mại giữa các địa phương giáp biên, gắn với phát triển du lịch khu di tích lịch sử Pác Bó. Đến năm 2030, hoàn thành công trình hạ tầng trọng điểm khu vực cửa khẩu, đảm bảo hệ thống giao thông, thông suốt tới khu vực Nà Po gắn kết tuyến giao thông nối từ Nam Ninh qua Nà Po đến khu vực phía Đông Nam tỉnh Vân Nam.
Khu vực cửa khẩu Lý Vạn (Hạ Lang), giai đoạn 2020-2025 chính thức nâng cấp và công bố thành cửa khẩu chính; khai thác hiệu quả hoạt động thương mại biên giới; đầu tư cơ sở hạ tầng kêu gọi đầu tư xây dựng khu phi thuế quan, xây dựng tuyến giao thông kết nối cửa khẩu với danh lam, thắng cảnh của tỉnh như: Thác Bản Giốc; động Ngườm Ngao; Hang Dơi… Đến năm 2030 phát triển đồng bộ hoạt động thương mại biên giới cửa khẩu kết hợp với hoạt động du lịch.
        Các khu vực cửa khẩu, lối mở khác, giai đoạn 2020-2030 tiếp tục đầu tư một số dự án hạ tầng trọng điểm phục vụ công tác quản lý nhà nước và hoạt động kinh tế biên mậu; thu hút đầu tư đối với dự án kho, bãi, chế biến nông lâm, thủy sản.
img 0163
Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh kiểm tra tình hình thực hiện một số dự án đầu tư tại Khu KTCK Trà Lĩnh

                                                                                 

Tác giả bài viết:  Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây