Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Cao Bằng

https://banqlkkt.caobang.gov.vn


Ban Quản lý Khu kinh tế 10 năm xây dựng và phát triển

             Thành lập theo Quyết định số 1753/QĐ-TTg ngày 21/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ, Ban Quản lý Khu kinh tế (KKT) tỉnh Cao Bằng hình thành trên cơ sở hợp nhất 3 Ban Quản lý cửa khẩu và Công ty phát triển hạ tầng Khu công nghiệp (KCN) Đề Thám. Trải qua 10 năm xây dựng và phát triển, Ban Quản lý KKT tỉnh đã nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra, từng bước khai thác hiệu quả tiềm năng thế mạnh để thúc đẩy hoạt động kinh tế biên mậu, góp phần phát triển KT - XH địa phương.
          Cao Bằng có trên 333 km đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, tạo ra những tiềm năng, lợi thế trong hoạt động phát triển kinh tế biên mậu. Việc xây dựng các giải pháp, định hướng phát triển kinh tế biên mậu tại địa phương trong những năm qua cũng đã và đang được các cấp, các ngành của tỉnh quan tâm triển khai đưa vào Chương trình trọng tâm theo từng giai đoạn, phù hợp với quá trình phát triển KT - XH địa phương. Năm 2002, tỉnh thành lập 3 Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu (KTCK) trực thuộc UBND tỉnh tại các cửa khẩu Sóc Giang (Hà Quảng), Trà Lĩnh (Trà Lĩnh), Tà Lùng (Phục Hòa). Sau khi Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ có hiệu lực thi hành, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1753/QĐ-TTg ngày 21/9/2010 thành lập Ban Quản lý KKT tỉnh Cao Bằng trên cơ sở hợp nhất 3 Ban Quản lý cửa khẩu và Công ty phát triển hạ tầng KCN Đề Thám.
          Quá trình hoạt động, Ban Quản lý KKT tỉnh đã nhiều lần kiện toàn tổ chức bộ máy, là cơ quan trực thuộc UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với KCN, KKT trên địa bàn; quản lý và tổ chức thực hiện chức năng cung ứng dịch vụ hành chính công và dịch vụ hỗ trợ khác có liên quan đến hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh cho nhà đầu tư trong KCN, KKT.
          Từ khi thành lập đến nay, Ban Quản lý KKT tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng và phát triển Khu KTCK thông qua mục tiêu các chương trình trọng tâm và kế hoạch phát triển KT - XH của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, trong đó mục tiêu phát triển KTCK là một trong các chương trình trọng tâm của tỉnh. Định kỳ hằng năm, tổ chức các chương trình gặp gỡ, đối thoại với các nhà đầu tư; lồng ghép với việc quảng bá giới thiệu tiềm năng thế mạnh; các quy hoạch xây dựng; danh mục các dự án ưu tiên đầu tư vào KKTCK.
Ban chủ động tham mưu trình UBND tỉnh quyết định công bố các Thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền; thực hiện cắt giảm 48/56 TTHC với thời gian cắt giảm là 365 ngày. Đồng thời, trình UBND tỉnh ra quyết định công bố các TTHC có thể thực hiện nhận hồ sơ, trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích với 28/56 TTHC. Duy trì thực hiện quy trình áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 và thực hiện chuyển đổi hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001: 2015 vào hoạt động quản lý hành chính tại cơ quan.
Tham mưu cho UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về thành lập Khu KTCK tỉnh Cao Bằng với diện tích 30.130 ha nằm trên địa bàn 5 huyện biên giới bao gồm 2 cửa khẩu Quốc tế, 2 cửa khẩu Quốc gia, 2 cửa khẩu phụ và nhiều lối mở, cặp chợ biên giới trên 265km/333km tuyến biên giới của tỉnh. Ngoài ra, Ban Quản lý KKT tỉnh tham mưu cho tỉnh thành lập KCN Chu Trinh.
          Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp quản lý nhà nước; Quy chế quản lý cửa khẩu, lối mở; Quy chế quản lý XNK, kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa; Đề án tổng thể phát triển Khu KTCK tỉnh Cao Bằng... Tham mưu cho UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện chính sách thí điểm tái xuất hàng hoá qua lối mở Nà Lạn và các cửa khẩu phụ, lối mở khác. Xây dựng, ban hành quy định về điều tiết hàng hóa tái xuất qua địa bàn tỉnh; đề xuất, kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp XNK hàng hóa qua địa bàn tỉnh; thúc đẩy và hỗ trợ Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh thành lập Chi hội doanh nghiệp XNK và logistics.
           Tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch cũ và xây dựng Đồ án quy hoạch mới theo tình hình thực tế về đầu tư, xây dựng Khu KTCK. Hiện nay, Đồ án quy hoạch chung Khu KTCK tỉnh Cao Bằng đến năm 2040 cơ bản được hoàn thiện và đang được lấy ý kiến góp ý (lần 2) của các của các sở, ban, ngành, các huyện biên giới, hoàn tất thủ tục tham mưu cho UBND tỉnh trình Bộ Xây dựng thẩm định, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Công tác đầu tư kết cấu hạ tầng Khu KTCK, KCN được quan tâm. Giai đoạn 2010 - 2020, Ngân sách nhà nước bố trí 859,406 tỷ đồng tập trung đầu tư xây dựng, hoàn thiện 31 công trình, dự án phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó đã có 21 dự án hoàn thành đưa vào sử dụng, 10 dự án đang triển khai thực hiện. Các dự án Quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch chi tiết các xã, thị trấn biên giới nơi có cửa khẩu, lối mở được triển khai thực hiện hoàn thành góp phần định hướng phát triển các ngành kinh tế, thu hút đầu tư và đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững. Hệ thống hạ tầng tại khu vực các cửa khẩu, lối mở được đầu tư hoàn thiện, đảm bảo nhu cầu cho người dân và các dự án sản xuất, kinh doanh trong Khu KTCK.
           Từ khi thành lập đến nay, Ban Quản lý đã thẩm định hồ sơ cấp mới 100 giấy chứng nhận đầu tư/chứng nhận đăng ký đầu tư trên địa bàn KKT, KCN tỉnh. Đến nay có 76 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó: 67 dự án đầu tư trong nước đăng ký đầu tư khoảng 14.543 tỷ đồng và 9 dự án đầu tư nước ngoài đăng ký đầu tư 36,8 triệu USD. Trong đó có 2 dự án Trung tâm Logistics, Khu trung chuyển hàng hoá XNK tại khu vực cửa khẩu Trà Lĩnh đăng ký đầu tư trên 6 nghìn tỷ đồng; Dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao tại khu vực cửa khẩu Tà Lùng đăng ký đầu tư 4.300 tỷ đồng.
Có 41 dự án của 26 doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư và kinh doanh hạ tầng bến bãi, trung tâm Logistics, khu trung chuyển hàng hoá với tổng vốn đăng ký gần trên 8,9 nghìn tỷ đồng. Đã có 22 dự án đi vào hoạt động ổn định, phát huy được hiệu quả, đáp ứng yêu cầu hoạt động thương mại dịch vụ, tạo sự sôi động trong hoạt động KKTCK, tăng thu ngân sách nhà nước.
          Công tác quản lý nhà nước tại cửa khẩu, lối mở đi vào nề nếp; hoạt động XNK, thu ngân sách từ các hoạt động tại cửa khẩu không ngừng tăng lên, đời sống nhân dân khu vực các cửa khẩu, lối mở được nâng cao, có việc làm và thu nhập ổn định. Giai đoạn 2010-2020, Kim ngạch XNK đạt trên 16,3 tỷ USD, bình quân tăng 25,5%/năm. Tổng thu ngân sách trên 3,8 nghìn tỷ đồng, bình quân tăng 9,3%/năm, góp cho tổng dự toán thu ngân sách trên địa bàn tỉnh khoảng 30-35%/năm. Trong đó: Thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu 1,68 nghìn tỷ đồng; Thu thuế XNK và các khoản thu khác 2,2 nghìn tỷ đồng. Có 230.937 lượt người xuất nhập cảnh qua các cửa khẩu (đi bằng hộ chiếu) trong Khu KTCK; 4.854.698 lượt người xuất nhập cảnh vùng biên giới; 147.349 lượt phương tiện xuất nhập cảnh.
Thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển KT - XH, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Chú trọng công tác đối ngoại, nhất là đối ngoại phát triển kinh tế, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, đặc biệt là việc tăng cường hợp tác để khai thác tiềm năng trong phát triển thương mại biên giới, nâng cấp các cặp cửa khẩu, thống nhất các tiêu chuẩn, chính sách, mở rộng thương mại XNK...
Khẳng định rằng, Khu KTCK Cao Bằng dần trở thành vùng động lực thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đặc biệt là dân cư khu vực biên giới. Thu hút được một số nhà đầu tư có tiềm lực tài chính đầu tư dự án lớn có tính chất lan tỏa vào Khu KTCK. Cơ sở hạ tầng được đầu tư làm thay đổi bộ mặt các khu vực đô thị, cửa khẩu khang trang, hiện đại và đồng bộ tạo động lực cho sự phát triển trong tương lai.
          Thời gian tới, phát huy thành tích đạt được, Ban quản lý KKT tỉnh tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách; thu hút đầu tư và phát triển KTCK, KCN. Xây dựng và phát triển Khu KTCK là vùng kinh tế động lực, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đặc biệt là dân cư khu vực biên giới; xây dựng và phát triển KCN Chu Trinh trở thành điểm nhấn về phát triển công nghiệp.  Phát huy vị trí Khu KTCK để đưa tỉnh Cao Bằng là đầu mối quan trọng của tuyến hành lang kinh tế từ các tỉnh Tây, Tây Nam (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng – đi các nước ASEAN và Quốc tế. Xây dựng và phát triển Khu KTCK là khu trung chuyển hàng hóa lớn vùng Đông Bắc, kết nối hoạt động XNK hàng hóa giữa Việt Nam – Trung Quốc. Tập trung nguồn vốn đầu tư vào các lĩnh vực, dự án trọng điểm; tạo sự đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng Khu KTCK theo hướng đồng bộ, hiện đại để khắc phục những điểm nghẽn, tạo động lực cho phát triển nhanh và bền vững.
truong ban 2truong ban 1
Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh triển khai kế hoạch công tác đơn vị

                                                                                             

Tác giả bài viết: Nguyễn Kiên Cường- Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây