Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Cao Bằng

https://banqlkkt.caobang.gov.vn


Chuyến đi học tập kinh nghiệm trong nước để phục vụ công tác lập Quy hoạch chung Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng

         Thực hiện Công văn số 579/UBND-TH ngày 16 tháng 3 năm 2018 của UBND tỉnh Cao Bằng về việc Chủ trương đi học tập kinh nghiệm trong nước để phục vụ công tác lập Quy hoạch chung Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng. Từ ngày 10-13 tháng 4 năm 2018, Đoàn công tác của tỉnh Cao Bằng do đồng chí Nguyễn Kiên Cường – Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh - làm trưởng đoàn đã đi khảo sát, nghiên cứu, học tập về công tác lập, quản lý, thực hiện quy hoạch chung xây dựng tại Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy, tỉnh Hà Giang và Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai, tỉnh Lào Cai. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo, chuyên viên các phòng chuyên môn Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, đại diện lãnh đạo, chuyên viên các sở, ngành của tỉnh và đại diện Vụ Quy hoạch kiến trúc và Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia – Bộ Xây dựng.

     Đoàn xuất phát lúc 6h00 sáng ngày 10 tháng 4 năm 2018 từ thành phố Cao Bằng đi Hà Giang, đến 17h00 chiều cùng ngày Đoàn có mặt tại cửa khẩu Thanh Thủy, tỉnh Hà Giang. Tại đây, Đoàn đã được Lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Giang và các trưởng, phó phòng chuyên môn đón tiếp, đưa đi tham quan, khảo sát khu vực cửa khẩu Thanh Thủy.
  
1 600 x 450
Khảo sát thực địa cửa khẩu Thanh Thủy, tỉnh Hà Giang

      Buổi sáng ngày 11 tháng 4 năm 2018 Đoàn làm việc với Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Giang và các cơ quan liên quan về công tác lập, quản lý, thực hiện quy hoạch chung Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy tỉnh Hà Giang.
 
2 600 x 465
Tặng quà Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Giang

          Đồng chí Nguyễn Kiên Cường– Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh - trưởng đoàn giới thiệu tóm tắt về tình hình công tác lập, quản lý, thực hiện quy hoạch xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng, qua đó nêu rõ mục đích, nội dung chuyến đi của đoàn và mong muốn sẽ học tập, tiếp thu được những kinh nghiệm của Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Giang về những công tác trên.
Đồng chí Đỗ Viết Hợp – Phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Giang  - đã giới thiệu về công tác lập, quản lý, thực hiện quy hoạch xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy, tỉnh Hà Giang. Từ đó đúc kết, chia sẻ với Đoàn về những thuận lợi, khó khăn và những kinh nghiệm, giải pháp khắc phục đối với công tác trên của tỉnh Hà Giang.
3 600 x 450
Trao đổi, học tập kinh nghiệm lập, quản lý, thực hiện quy hoạch chung
Khu kinh tế cửa khẩu với Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Giang

        Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy, tỉnh Hà Giang đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 125/QĐ-TTg ngày 02/02/2012, với diện tích lập quy hoạch là 28.781 ha (tương đương 287,1 km2) gồm 7 xã thuộc huyện Vị Xuyên và xã Phương Độ thuộc thành phố Hà Giang. Là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực bao gồm: Thương mại – Dịch vụ - Du lịch – Công nghiệp – Nông lâm nghiệp, tạo thành khu vực thu hút đầu tư và hội nhập quốc tế.
Tỉnh Hà Giang đã triển khai lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng, tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, áp dụng các chính sách ưu đãi hỗ trợ mời gọi thu hút đầu tư vào các khu chức năng trong khu kinh tế, kết quả sau hơn 05 năm tổ chức thực hiện: Kết cấu hạ tầng khu trung tâm cửa khẩu Thanh Thủy và các lối mở được cải thiện, các hoạt động kinh tế tại cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy đã sôi động nhộn nhịp hơn, kim ngạch XNK hàng hóa hàng năm tăng mạnh (năm 2017 đạt 3,4 tỷ USD)… Tuy nhiên do nguồn vốn hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng khu KTCK của Trung ương và địa phương hạn hẹp nên tiến độ thực hiện quy hoạch một số khu chức năng trong khu kinh tế chậm, đặc biệt là các khu chức năng trong nội địa chủ yếu trông vào nguồn vốn đầu tư của ngân sách địa phương phân cấp cho huyện, thành phố do vậy không thu hút được các nhà đầu tư đến đầu tư các dự án phát triển kinh tế theo định hướng quy hoạch.
Về điều chỉnh Quy hoạch chung: Đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu KTCK Thanh Thủy hiện nay đang được Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương điều chỉnh cục bộ tại Văn bản số 1880/TTg-CN ngày 05/12/2017.
Về quy hoạch chi tiết xây dựng: Đến nay trong Khu KTCK Thanh Thủy mới triển khai lập và phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 được 02/07 khu chức năng, 01 khu vực là: Khu trung tâm cửa khẩu Thanh Thủy, Khu trung tâm xã Phong Quang và Quy hoạch chi tiết khu vực mốc 238 xã Lao Chải, huyện Vị Xuyên.
Buổi chiều cùng ngày Đoàn xuất phát từ thành phố Hà Giang đi Lào Cai.
Sáng ngày 12 tháng 4 năm 2018, Đoàn khảo sát Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai, tỉnh Lào Cai. Đón tiếp và đưa đoàn đi khảo sát có đồng chí Nguyễn Ngọc Khải – Trưởng ban và các đồng chí trong Ban lãnh đạo, các trưởng, phó phòng chuyên môn.
4 600 x 450
Khảo sát thực địa Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai, tỉnh Lào Cai

       Buổi chiều Đoàn làm việc với Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai và các cơ quan liên quan về công tác lập, quản lý, thực hiện Quy hoạch chung Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Lào Cai.
5 600 x 450 1
Trao đổi, học tập kinh nghiệm lập, quản lý, thực hiện quy hoạch chung
Khu kinh tế cửa khẩu với Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai
           Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai có diện tích là 15.929,8 ha, thuộc địa giới hành chính của thành phố Lào Cai, các huyện Mường Khương, Bảo Thắng, Bát Xát, Si Ma Cai bao gồm 03 phường, 24 xã và 01 thị trấn với 89 thôn trải dài 182,036 km đường biên giới.
Ngày 03/5/2017 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 587/QĐ-TTg. Trong đó nêu rõ Khu KTCK Lào Cai được quy hoạch với mục tiêu là vùng kinh tế động lực chủ đạo của tỉnh, có cơ sở hạ tầng kỹ thuật và kinh tế xã hội đồng bộ, góp phần phát triển kinh tế xã hội, là một trong những trung tâm giao thương của khu vực ASEAN và vùng Tây Nam – Trung Quốc. Khu KTCK Lào Cai là một trong những cửa ngõ quan trọng nối thị trường vùng Tây Nam, Trung Quốc. Hệ thống các cửa khẩu, lối mở trong Khu KTCK Lào Cai gồm: 01 cửa khẩu quốc tế với 03 điểm thông quan (01 cửa khẩu đường sắt và 02 cửa khẩu đường bộ Cầu Hồ Kiều và Kim Thành), 01 cửa khẩu quốc gia (Mường Khương), 01 cửa khẩu phụ (Bản Vược) và 06 lối mở phục vụ cư dân biên giới.
Hạt nhân của Khu KTCK được xác định từ khu vực lối mở Bản Quẩn đến cửa khẩu phụ Bản Vược. Trong khu vực này, tỉnh Lào Cai đã có quy hoạch chung Khu Kim Thành – Bản Vược với tổng diện tích là 1.130 ha kéo dài 12 km từ cửa khẩu quốc tế Kim Thành đến cửa khẩu phụ Bản Vược, dự kiến quy hoạch thành khu hợp tác qua biên giới đối đẳng với khu Bá Sái của huyện Hà Khẩu (Trung Quốc). Khu Kim Thành – Bản Vược được quy hoạch với 05 khu chức năng chính: Khu cửa khẩu Kim Thành (194 ha); Khu Logistics (332 ha); Khu công viên và vui chơi giải trí (308,8 ha); Khu gia công xuất nhập khẩu (228 ha); Khu vực cửa khẩu phụ Bản Vược (127,5 ha).
Kim ngạch XNK qua các cửa khẩu, lối mở qua các năm tăng trưởng trung bình 20%/năm, nộp ngân sách nhà nước từ các khu công nghiệp và các cửa khẩu chiếm trên 30% tổng thu ngân sách chung trên địa bàn tỉnh Lào Cai, góp phần chuyển dịch cơ cấu và phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng cho địa bàn. Trong năm 2017 tổng thu ngân sách trong khu vực cửa khẩu đạt 2.125 tỷ đồng, trong Quý I/2018 đạt 566 tỷ đồng.
Tại buổi làm việc đại diện lãnh đạo Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai và đại diện lãnh đạo các sở, ngành có liên quan đã có những trao đổi, chia sẻ với Đoàn công tác về công tác lập, quản lý, thực hiện quy hoạch tại Khu kinh tế tỉnh Lào Cai. Qua đó nêu lên những thuận lợi, khó khăn và những định hướng trong thời gian tới để làm tốt những công tác trên.
6 600 x 521
Tặng quà Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai

         Các thành viên trong Đoàn cũng đã tích cực trao đổi, phổ biến, học hỏi kinh nghiệm quản lý nhà nước với tỉnh bạn về công tác quản lý nhà nước đối với công tác quy hoạch và các lĩnh vực khác có liên quan như: quản lý đầu tư, xây dựng, quản lý đất đai, môi trường, giải phóng mặt bằng… trong các buổi làm việc. Qua đó rút ra những bài học kinh nghiệm và có những đề xuất, kiến nghị để thực hiện tốt việc lập, quản lý, thực hiện quy hoạch chung Khu kinh tế cửa khẩu như:
Cần xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, vai trò, vị trí, thứ tự tầng bậc và mối quan hệ giữa quy hoạch chung Khu kinh tế cửa khẩu và các quy hoạch khác. Từ đó có các phương pháp lồng ghép, hợp nhất các quy hoạch.
Tạo ra sản phẩm quy hoạch bền vững, xem xét đầy đủ đến các yếu tố như kinh tế, văn hóa – xã hội, đất đai môi trường, quốc phòng, an ninh …
Hướng tới giảm chi phí ngân sách nhà nước cho công tác lập quy hoạch, rút ngắn quy trình, thời gian lập và thẩm định phê duyệt, cải thiện công tác quản lý nhà nước theo hướng đơn giản, gọn nhẹ, tạo điều kiện cho chủ đầu tư sớm thực hiện các dự án đầu tư, trong khi vẫn đảm bảo hiệu quả quản lý vĩ mô và hoạch định chính sách.
Phương pháp lập quy hoạch phải đảm bảo được tính thiết thực trong việc tham gia của tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư. Các mục tiêu của quy hoạch phải thật rõ ràng, dễ hiểu với các chủ thể thuộc khối nhà nước cũng như đối với các đối tác tư nhân. Các mục tiêu của đồ án cần được đưa vào một chiến dịch truyền thông đối với những đối tượng sẽ thực hiện đồ án.
Sản phẩm quy hoạch cần đảm bảo được sự linh hoạt để có thể đáp ứng các thay đổi của thực tiễn, tránh tình trạng thường xuyên điều chỉnh, giảm thiểu thời gian lập quy hoạch.
Buổi sáng ngày 13 tháng 4 năm 2018 Đoàn xuất phát từ Lào Cai về Cao Bằng.
Chuyến đi học tập kinh nghiệm lập quy hoạch chung Khu kinh tế cửa khẩu tại tỉnh Hà Giang và Lào Cai đã thành công tốt đẹp. Qua chuyến đi Đoàn công tác đã đạt được mục tiêu đề ra là học hỏi kinh nghiệm lập quy hoạch chung khu kinh tế cửa khẩu. Từ đó tích lũy, bổ sung thông tin, kinh nghiệm để áp dụng, triển khai công tác lập, quản lý và thực hiện quy hoạch chung Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng./.
 
   
 
 
 

Tác giả bài viết: Hoàng Anh Định - Chuyên viên phòng Quản lý Quy hoạch và Xây dựng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây