Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Cao Bằng

https://banqlkkt.caobang.gov.vn


Một số giải pháp hỗ trợ xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc qua cửa khẩu Tà Lùng

          Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và chính sách biên mậu của Trung Quốc có nhiều thay đổi nên việc xuất nhập khẩu hàng tại cửa khẩu Tà Lùng gặp rất nhiều khó khăn, số lượng hàng hóa giảm nhiều về cả chủng loại và số lượng. Nếu như trong những năm 2014, 2015 số thu phí dịch vụ hạ tầng tại cửa khẩu đạt trên 150 tỷ đồng thì trong năm 2020 số thu phí dịch vụ hạ tầng chỉ đạt 7,91 tỷ đồng. Đối với mặt hàng nông sản xuất nhập khẩu qua lại cửa khẩu trong 2020 có 1.553 lô, trọng lượng đạt 90.750 tấn với tổng số phí kiểm dịch thực vật thu được trên 460,5 triệu đồng. Xác định việc xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc là một nhiệm vụ quan trọng nhất là trong thời kỳ dịch bệnh covid-19 hiện nay, Ban Quản lý cửa khẩu và các lực lượng chức năng trạm Kiểm soát liên hợp cửa khẩu Tà Lùng đã xây dựng một số giải pháp nhằm thúc đẩy việc xuất nhập khẩu hàng hóa nhất là mặt hàng nông sản của Việt Nam xuất sang thị trường Trung Quốc qua cửa khẩu Tà Lùng:
          Thứ nhất, Nắm rõ thông tin về nhu cầu xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của cả 2 nước: Để nắm rõ thông tin về nhu cầu xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của cả 2 nước tại cửa khẩu Tà Lùng đã lập nên các Nhóm nắm bắt thông tin về nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa bao gồm các thành viên đại diện: cơ quan Ban Quản lý cửa khẩu, lực lượng Hải quan, Biên phòng, kiểm dịch và một số tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xuất nhập khẩu tại cửa khẩu. Nhóm nắm bắt thông tin có nhiệm vụ thường xuyên tìm hiểu các thông tin về nhu cầu xuất nhập khẩu, thông tin hoạt động xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu trong tỉnh, trong khu vực và trên toàn tuyến biên giới phía Bắc (bao gồm cả thông tin bên phía nước bạn) nhờ đó việc nắm bắt các thông tin về thương mại xuất nhập khẩu tại cửa khẩu Tà Lùng luôn được thông suốt và đó là cơ sở để kêu gọi thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xuất nhập khẩu đến với cửa khẩu Tà Lùng.
 
 
anh 1 bai 2 a hoai
(Các lực lực lượng chức năng tại cửa khẩu Tà Lùng họp bàn thống nhất về phương án xuất nhập khẩu hàng hóa)
          Thứ hai, Rút ngắn thời gian thông quan cho một xe hàng hóa: Xác định việc rút ngắn đơn vị thời gian thông qua trên một xe hàng là một nhiệm vụ hết sức quan trọng và cần thiết đặc biệt là đối với mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam khi mà trước đây thời gian thông quan của một xe hàng xuất khẩu sang Trung Quốc thì các cơ quan chức năng của cửa khẩu Thủy Khâu - Trung Quốc làm các thủ tục nhập khẩu chỉ mất từ 3 - 5 phút nhưng hiện nay do ảnh hưởng của dịch covid-19 các cơ quan chức năng bên phía bạn thắt chặt công tác phòng chống dịch bệnh nên thời gian thông quan 1 xe hàng có lúc mất đến 30 phút, việc kéo dài thời gian thông quan một xe hàng đã ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động xuất nhập khẩu mà đặc biệt là hàng nông sản của Việt Nam do mặt hàng này có đặc thù là nhanh hỏng và có thời gian bảo quản ngắn nên có lúc các doanh nghiệp đã không dám đưa hàng lên cửa khẩu Tà Lùng mặc dù nhu cầu xuất khẩu là rất lớn. Với tình hình thực tế trên, tại cửa khẩu Tà Lùng đã xây dựng phương thức làm việc mới nhằm rút ngắn thời gian thông quan một xe hàng. Đó là, tại cửa khẩu đã lập lên các nhóm xuất nhập khẩu hoạt động, cung cấp thông tin qua mạng xã hội  như nhóm Zalo, facebook... Nhóm hoạt động với hình thức cung cấp thông tin một cách nhanh nhất như: khi một tổ chức, cá nhân hoạt động xuất nhập khẩu chuẩn bị có xe hàng xuất nhập khẩu thì sẽ thông tin trước cho các lực lượng chuyên ngành trước, sau khi xác nhận thông tin chính xác từ các doanh nghiệp các lực lượng chuyên ngành tại cửa khẩu sẽ thực hiện các thủ tục tiếp nhận cơ bản trước và khi xe hàng đến thì hoàn thiện các bước tiếp theo, việc thực hiện phương pháp này đã giảm thiểu một cách đáng kể về thời gian xe hàng lưu tại cửa khẩu qua đó góp phần rút ngắn thời gian thông quan 1 xe hàng theo đúng quy trình xuất nhập khẩu.
 
 
 
anh 2 bai 2 a hoai
(Lực lượng chức năng tại cửa khẩu tiếp nhận hồ sơ hàng hóa xuất nhập khẩu từ doanh nghiệp)
          Thứ ba, Tăng cường công tác đối ngoại: Ban Quản lý cửa khẩu Tà Lùng và các lực lượng chức năng tại cửa khẩu đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức trao đổi với phía Chính phủ nhân dân huyện Long Châu, Ban Quản lý cửa khẩu Thuỷ Khẩu - Trung Quốc nhằm đưa ra các phương án xuất nhập khẩu thích hợp trong từng thời điểm, trong 10 tháng đầu năm 2021 hai bên đã tổ chức hội đàm, trao đổi được 05 lượt, qua trao đổi thì việc xuất nhập khẩu hàng hoá qua lại được thuận lợi hơn.
 
 
 
anh 3 bai 2 a hoai
 (Các xe tải đang chờ xuất hàng tại cửa khẩu Tà Lùng)
          Sau quá trình triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ xuất nhập khẩu tại cửa khẩu Tà Lùng thấy rằng: Với mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam việc xuất khẩu diễn ra thuận lợi, thủ tục nhanh chóng, trong 10 tháng đầu 2021 mặt hàng nông sản xuất khẩu đạt 1.688 lô, trọng lượng trên 140.500 tấn với tổng số phí kiểm dịch thực vật thu đạt trên 565,8 triệu đồng. Với các mặt hàng khác tại cửa Tà Lùng các hoạt động xuất nhập khẩu có sự chuyển biến rõ rệt, số lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua lại tăng về cả số lượng và chủng loại, tính đến ngày 15/11/2021: Thu ngân sách từ lực lượng Hải quan đạt 99,192 tỷ đồng, tăng 178,2% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 115,34% chỉ tiêu của Bộ tài chính giao, đạt 103 % chỉ tiêu do UBND tỉnh giao; số phí dịch vụ hạ tầng do Trung tâm khai thác dịch vụ hạ tầng, Ban Quản lý KKT tỉnh thu được 16,424 tỷ đồng đạt 82,12% chỉ tiêu do HĐND tỉnh giao (giao toàn Ban Quản lý KKT tỉnh) qua đó góp phần vào việc phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng của địa phương.

Nguồn tin: Phạm Văn Hoài - Trưởng Ban quản lý Cửa khẩu Tà Lùng.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây