Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Cao Bằng

https://banqlkkt.caobang.gov.vn


Tự hào về sự đổi thay của Khu Kinh tế cửa khẩu tỉnh

           Là người từng gắn bó với sự hình thành của Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh ngay từ giai đoạn đầu, đến nay, chứng kiến sự đổi mới của Khu KTCK, KCN tỉnh, tôi rất tự hào.
Cao Bằng có trên 333 km đường biên tiếp giáp với phía Trung Quốc tạo ra những tiềm năng, lợi thế to lớn trong hoạt động phát triển kinh tế biên mậu. Việc xây dựng các giải pháp, định hướng phát triển kinh tế biên mậu tại địa phương trong những năm qua cũng đã và đang được các cấp, các ngành của tỉnh quan tâm triển khai đưa vào Chương trình trọng tâm theo từng giai đoạn.
          Năm 2002, tỉnh thành lập 3 Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu (KTCK) trực thuộc UBND tỉnh tại các cửa khẩu Sóc Giang (Hà Quảng), Trà Lĩnh (Trùng Khánh), Tà Lùng (Quảng Hòa); Cơ chế chính sách thực hiện theo Quyết định số 171/1998/QĐ-TTg ngày 09/9/1998 về việc áp dụng thí điểm một số chính sách phát triển kinh tế tại một số khu vực cửa khẩu tỉnh Cao Bằng; Quyết định số 53/2001/QĐ-TTg ngày 19/04/2001 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với Khu KTCK biên giới. Các Ban quản lý Khu KTCK trên địa bàn tỉnh bước đầu đã khai thác hiệu quả tiềm năng thế mạnh của địa phương về phát triển thương mại biên giới, đóng góp tích cực vào phát triển KT - XH địa phương.
         Tuy nhiên, thực tế phát triển thương mại biên giới trên địa bàn tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng. Sau khi Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ có hiệu lực thi hành, Cao Bằng đã chủ động tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thành lập Ban Quản lý KKT tỉnh Cao Bằng trên cơ sở hợp nhất 3 Ban Quản lý cửa khẩu và Công ty phát triển hạ tầng Khu công nghiệp (KCN) Đề Thám. Việc thành lập Ban quản lý Khu Kinh tế tỉnh là bước hoàn thiện cơ sở pháp lý đối với công tác quản lý nhà nước về Khu KTCK, KCN, điều kiện thuận lợi để triển khai đồng bộ chính sách phát triển trên không gian rộng, thuận lợi cho công tác quy hoạch, thu hút đầu tư vào Khu KTCK, KCN.
         Từ những thành quả ban đầu, đến nay, Khu KTCK, KCN tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 20/2014/QĐ-TTg ngày 11/3/2014 về thành lập KKTCK tỉnh trên 265km/333km đường biên giới của Cao Bằng, diện tích tự nhiên là 30.130 ha nằm trên địa bàn 7 huyện biên giới (nay là 5 huyện) bao gồm hệ thống các cửa khẩu, lối mở biên giới với 2 cửa khẩu Quốc tế, 2 cửa khẩu Quốc gia, 2 cửa khẩu phụ và nhiều lối mở, cặp chợ biên giới được hưởng các cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư đặc thù thuận lợi cho khai thác các tiềm năng, lợi thế khu vực. Đây là khu vực có rất nhiều tiềm năng và lợi thế có thể tận dụng và khai thác phát triển thương mại biên giới. Khu KTCK.
          10 năm xây dựng và phát triển, cơ cấu tổ chức bộ máy Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh được kiện toàn; Cơ chế chính sách quản lý hoạt động thương mại biên giới được nghiên cứu xây dựng phù hợp; hệ thống cơ chế chính sách rõ ràng, cụ thể tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh, đầu tư vào Khu KTCK. Công tác quản lý thu hút đầu tư đã có những chuyển biến rõ rệt, thu hút được một số nhà đầu tư có tiềm lực tài chính đầu tư dự án lớn có tính chất lan tỏa vào Khu KTCK. Cơ sở hạ tầng được đầu tư làm thay đổi bộ mặt các khu vực đô thị, cửa khẩu khang trang, hiện đại và đồng bộ tạo động lực cho sự phát triển trong tương lai. Công tác quản lý cửa khẩu, thương mại biên giới đã có nhiều chuyển biến tích cực và hiệu quả; Kim ngạch XNK có tốc độ tăng trưởng cao qua từng năm. Các khoản thu ngân sách đối với các hoạt động tại cửa khẩu, lối mở đóng góp tỷ trọng cao trong tổng dự toán thu ngân sách trên toàn tỉnh. Đời sống nhân dân trong Khu KTCK được cải thiện và nâng cao.
         Trong thời gian tới, để Khu KTCK, KCN tỉnh phát triển tương xứng với tiềm năng, tôi mong Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước; chủ động tham mưu cho  tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách; thu hút đầu tư và phát triển KTCN, KCN. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh; Đưa Cao Bằng là đầu mối quan trọng của tuyến hành lang kinh tế từ các tỉnh Tây, Tây Nam (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng – đi các nước ASEAN và Quốc tế. Xây dựng và phát triển Khu KTCK là khu trung chuyển hàng hóa lớn vùng Đông Bắc, kết nối hoạt XNK hàng hóa giữa Việt Nam – Trung Quốc. Xây dựng khu vực biên giới hoà bình, hữu nghị, ổn định lâu dài, hợp tác và phát triển.

                                   

Tác giả bài viết:   Lý Hải Hầu, Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Nguyên Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây