Trước đây, Cao Bằng hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước bởi nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng, có trữ lượng và chất lượng tốt như: quặng sắt, Mangan, thiếc, vàng... Công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản và dịch vụ được coi là hai trụ cột trong phát triển kinh tế nhằm tạo dựng vững chắc cơ cấu nền kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp sau năm 2020. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu những năm qua khiến cho ngành công nghiệp này gặp nhiều khó khăn và bị thu hẹp. Những hướng đi mới đang từng bước giúp tỉnh Cao Bằng lấy lại nhịp độ tăng trưởng và phát triển bền vững...
Tạo cú huých để phát triển dịch vụ với lợi thế về thương mại biên giới bởi các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu song phương, cửa khẩu phụ và cặp chợ đường biên, tháng 3 - 2014, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt thành lập khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng trên cơ sở sáp nhập ba khu kinh tế cửa khẩu Tà Lùng, Trà Lĩnh, Sóc Giang với tổng diện tích 30.130 ha, bao gồm 37 xã và thị trấn. Đến nay, khu kinh tế cửa khẩu đã có 48 dự án trong nước được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 8.105 tỷ đồng và 9 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn 105 triệu USD, trong đó đã có 25 dự án đi vào hoạt động góp phần nâng cao đời sống nhân dân và tăng thu ngân sách cho địa phương. Tổng số kim ngạch xuất nhập khẩu chính ngạch giai đoạn 2011 - 2015 qua khu kinh tế này tăng 74,64% so với giai đoạn 2006 - 2010. Tính riêng 9 tháng đầu năm 2014, số liệu kim ngạch XNK hàng hóa chính ngạch đạt 375,089 triệu USD/ 550 triệu USD; hàng hóa tạm nhập tái xuất cũng đạt 760,038 triệu USD/ 900 triệu USD được giao. Tổng số thu ngân sách giai đoạn 2011 - 2015 dự kiến tăng 65,44% so với giai đoạn 2006 - 2010.
Với những kết quả đạt được, Cao Bằng luôn xác định kinh tế cửa khẩu là một trong những động lực quan trọng nhằm đẩy mạnh nhịp độ tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế quốc gia cũng như trên địa bàn tỉnh, đồng thời hỗ trợ tạo động lực lan tỏa cho các vùng kinh tế khác. Không những thế, khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng còn có vị trí địa lý rất quan trọng, khoảng cách kết nối đến các trung tâm kinh tế lớn của Trung Quốc như Trùng Khánh, Tứ Xuyên, Quý Châu và Quảng Tây thuận lợi hơn các khu vực khác ở nước ta. Trong khuôn khổ xây dựng khu vực thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc, khu kinh tế cửa khẩu này sẽ là một trong những đầu mối giao thông giao lưu, hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng như với các nước ASEAN với Trung Quốc
Gia tăng giá trị nông nghiệp bằng công nghệ cao
Cao Bằng là tỉnh miền núi có địa hình chia cắt mạnh, độ dốc lớn, diện tích đất nông nghiệp thấp lại là nương rẫy không thể thực hiện tưới tiêu bằng thủy lợi nên năng suất trồng lúa và hoa màu rất thấp. Hơn nữa, công tác trồng rừng còn nhiều khó khăn do chưa có đường lâm nghiệp phục vụ khai thác và cũng chưa hình thành được vùng chế biến gỗ. Tuy nhiên, tỉnh cũng có thế mạnh, tiềm năng về đặc trưng khí hậu, thổ nhưỡng với hai vùng đai cao và thấp đặc biệt để phát triển nông nghiệp công nghệ cao mang lại giá trị kinh tế cho người nông dân. Hướng đi đột phá đó đã được lãnh đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền nhất trí. Đối với vùng đai cao Á nhiệt đới (có độ cao từ 800 - 1.200 m), tỉnh đã xác định sẽ đầu tư vào trồng các loại cây dược liệu quý, trà Ô Long có giá trị cao, hoa quả đặc sản ôn đới. Ở vùng đai thấp hơn, ngành nông nghiệp Cao Bằng đã ứng dụng công nghệ phục hồi giống lê Đông Khê đặc trưng của vùng, đứng trong top đầu “những loại quả ngon nhất Việt Nam” có giá trị kinh tế cao nhưng đang bị thoái hóa. Trong tương lai không xa, với chất lượng và năng suất đã được phục hồi, cây lê Đông Khê chính là loại cây đem đến tiền tỷ cho người dân và doanh nghiệp tâm huyết với nó. Vùng đai thấp cũng hứa hẹn tiềm năng sản xuất hàng hóa với những vùng nguyên liệu thuốc lá, trúc sào, hồi và chăn nuôi trang trại quy mô lớn.
Hiện nay, tại vùng Phja Đén, Phja Oắc với độ cao trên 1.200m so với mặt nước biển đã có trên 30 ha chè do Công ty TNHH Kolia Cao Bằng là doanh nghiệp đầu tiên của tỉnh đang áp dụng tiêu chuẩn Organic trong việc trồng và sản xuất các loại trà Ô Long, Kim Tuyên, Thanh Tâm, Hồng trà, Đông Phương mỹ nhân… phục vụ xuất khẩu với giá từ hàng triệu đến hàng chục triệu đồng/kg. Bà con quanh vùng rất phấn khởi khi cùng hợp tác với công ty, được cấp giống và hướng dẫn kỹ thuật, bảo đảm tiêu chuẩn hữu cơ đối với loại chè đặc sản này. Bởi vậy, giá chè tươi của bà con khi có sự liên kết với công ty cũng được thu mua ở mức 40.000 đồng/kg, gấp gần 10 lần so với những khu vực khác. Ông Hoàng Thái - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cao Bằng lạc quan chia sẻ: “Đầu tư sản xuất nông nghiệp là phương án có thể giúp các cá thể kinh doanh vượt qua những cơn bĩ cực chính là một kinh nghiệm đã được đúc kết từ lâu. Các tỷ phú, các tập đoàn lớn trên thế giới luôn có lãnh địa dành cho nông nghiệp để bổ trợ cho sản xuất kinh doanh. Có những lĩnh vực siêu ngạch trong nông nghiệp cho “lợi nhuận khủng” mà các doanh nghiệp cần tìm tòi và cần được các chuyên gia nông nghiệp tư vấn để gia tăng giá trị”