Trong những năm qua, mặc dù còn gặp không ít khó khăn và thách thức, nhưng một số Nhà đầu tư đã nỗ lực thực hiện hoàn thành dự án đầu tư và đưa dự án đi vào hoạt động ổn định và theo đúng tiến độ trong Giấy chứng nhận đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; Một số Nhà đầu tư hoàn thành tốt nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần vào tăng thu ngân sách tại địa phương.
Tính đến nay trên địa bàn khu kinh tế cửa khẩu và khu công nghiệp tỉnh Cao Bằng có 73 dự án đầu tư trong và ngoài nước, trong đó: gồm 9 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký là 11 triệu USD và 618 tỷ đồng; 64 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký đầu tư khoảng hơn 9 nghìn tỷ đồng.
Trong quá trình hoạt động, một số Nhà đầu tư đã có sự năng động sáng tạo, nhậy bén với cơ chế mới của nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước, đã chú ý đầu tư theo chiều sâu, chuyển hướng đầu tư mang tính chiến lược ổn định, lâu dài.
Tuy nhiên, bên cạnh đó không ít Nhà đầu tư chưa quan tâm tới dự án đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; lúng túng không biết triển khai các bước tiếp theo hoặc không triển khai các bước tiếp theo; Một số Nhà đầu tư không đủ năng lực về tài chính, về quản lý để thực hiện dự án; Một số Nhà đầu tư đăng ký nhiều dự án đầu tư, do thiếu sự quan tâm, thiếu tập trung nguồn lực tài chính nên các dự án đều dở dang chưa hoàn thành; Một số Nhà đầu tư chỉ giải phóng mặt bằng một phần đất để thực hiện dự án, phần còn lại (trong nhiều năm) không ứng trước kinh phí để GPMB nên dự án dở dang không hiệu quả; Một số nhà đầu tư chưa tích cực triển khai mặc dù đã được bàn giao đất sạch; một số nhà đầu tư không thực hiện được giải phóng mặt bằng; Một số nhà đầu tư không thực hiện dự án đầu tư… dẫn tới các dự án đều chậm so với tiến độ ghi trong giấy chứng nhận đầu tư/ giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (điển hình là các dự án đầu tư tại khu vực cửa khẩu Tà Lùng), gây lãng phí về tài nguyên đất trong khu kinh tế và gây mất niềm tin đối với chính quyền và nhân dân địa phương. Qua kiểm tra xem xét, tính đến nay UBND tỉnh và Ban Quản lý Khu kinh tế theo thẩm quyền đã thu hồi 28 dự án đầu tư (Trong đó huyện Trà Lĩnh: 03 dự án; huyện Thạch An: 01 dự án; huyện Hạ Lang: 02 dự án;Khu công nghiệp Đề Thám: 02 và huyện Phục Hòa: 20 dự án); trong năm 2018 thu hồi 03 giấy chứng nhận đầu tư.
Nhìn chung công tác quản lý nhà nước đối với các Nhà đầu tư trên địa bàn Khu kinh tế đã được cải thiện dần. Các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban đã được rà soát lại, xem xét loại bỏ những thủ tục không cần thiết và thực hiện cải cách, đơn giản hoá thủ tục hành chính trong việc xem xét thụ lý hồ sơ, giải quyết nhanh gọn, không gây phiền hà, tạo thuận lợi cho các Nhà đầu tư.
Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Cao Bằng cam kết cùng đồng hành với các doanh nghiệp để thúc đẩy hoạt động đầu tư, liên kết hợp tác phát triển sản xuất, kinh doanh, trên tinh thần đoàn kết, thân ái, hợp tác cùng phát triển!