Chiều 24/6, tại Trung tâm hội nghị tỉnh, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Cao Bằng (Việt Nam) tổ chức hội đàm lần thứ 9 với đoàn đại biểu thành phố Bách Sắc, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc do ông Thạch Quốc Hoài, Phó Thị trưởng Thường vụ Chính phủ nhân dân thành phố Bách Sắc làm trưởng đoàn. Tham dự hội đàm, về phía tỉnh Cao Bằng có đại diện lãnh đạo một số sở, ban ngành, Văn phòng Tỉnh ủy, đơn vị, lãnh đạo 3 huyện biên giới Trà Lĩnh, Hà Quảng, Trùng Khánh.
Các đại biểu dự hội đàm.
Tại hội đàm, hai bên thông báo cho nhau về tình hình triển khai quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, hoạt động phát triển kinh tế cửa khẩu và bàn phương hướng, nhiệm vụ thực hiện trong thời gian tới. Để phát huy tiềm năng, lợi thế biên giới, cửa khẩu, Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng (Việt Nam) đang xây dựng và hoàn thiện Đề án tổng thể phát triển khu kinh tế cửa khẩu, trình Thường trực Tỉnh ủy phê duyệt và triển khai thực hiện trong năm 2019. Về quy hoạch chung đối với khu kinh tế của khẩu Cao Bằng đã được triển khai với diện tích 30.130 ha, hiện đã trình Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phê duyệt gồm 3 cửa khẩu: Khu vực cửa khẩu Trà Lĩnh, khu vực cửa khẩu Sóc Giang (huyện Hà Quảng) và cửa khẩu Pò Peo (huyện Trùng Khánh). Đối với khu vực cửa khẩu Trà Lĩnh, về cơ sở hạ tầng quy hoạch chung hạng mục khu hợp tác, trung chuyển phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2016 - 2025; dự án xây dựng trung tâm với tổng vốn đăng ký mỗi dự án khoảng 3,2 nghìn tỷ đồng, quy mô sử dụng đất trên 50 ha. Đến nay, các dự án trọng tâm tại cửa khẩu Trà Lĩnh đã và đang được triển khai gồm: Xây dựng trạm kiểm soát liên hợp, đường vào lối mở Nà Đoỏng, khu tái định cư Nà Đoỏng, thị trấn Hùng Quốc, huyện Trà Lĩnh; xây dựng tuyến đường cao tốc Trà Lĩnh (Cao Bằng) - Đồng Đăng (Lạng Sơn) với tổng chiều dài 144 km, giai đoạn 1 sẽ khởi công vào năm 2020. Điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu kinh tế cửa khẩu Sóc Giang, huyện Hà Quảng với diện tích quy hoạch 190 ha, với mục tiêu xây dựng và phát triển khu kinh tế này thành một đô thị hiện đại, văn minh trên cơ sở phát huy tiềm năng lợi thế sẵn có về phát triển kinh tế cửa khẩu gắn với giữ gìn an ninh biên giới và bảo vệ môi trường. Về cửa khẩu Pò Peo có tổng diện tích quy hoạch 100 ha, hiện đang triển khai công tác kêu gọi đầu tư, mục tiêu là hợp tác với phía Trung Quốc định hướng xây dựng du lịch qua cửa khẩu kết hợp với điểm danh lam thắng cảnh tại khu vực biên giới hai nước, đặc biệt là hợp tác với dự án trung tâm thể thao, vui chơi giải trí, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp tại xã Đình Phong, huyện Trùng Khánh. Hai bên cũng đã thông báo cho nhau tình hình hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn. Từ đầu năm đến nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, mở tờ khai trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đạt trị giá 693,723 triệu USD, trong đó xuất khẩu hơn 553,8 triệu USD, nhập khẩu 139,89 triệu USD.
Hội đàm trao đổi và thống nhất các nội dung như: Nâng cấp cặp cửa khẩu Trà Lĩnh (Việt Nam) và Long Bang (Trung Quốc) lên cửa khẩu quốc tế; mở lối mở Nà Ráy (Trung Quốc) và Nà Đoỏng (Việt Nam); về việc thu phí trong phạm vi cửa khẩu Trà Lĩnh (Việt Nam), Long Bang (Trung Quốc); chủ trì tổ chức bộ phận liên kiểm hai bên xác định những thủ tục có liên quan đến việc xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất nhập cảnh phương tiện, xuất nhập cảnh người điều khiển phương tiện và cơ chế quản lý hợp tác sau khi mở lối mở; xây dựng cơ chế trao đổi công tác; nhanh chóng xúc tiến tuyến đường cao tốc Trà Lĩnh (Cao Bằng) - Đồng Đăng (Lạng Sơn) của Việt Nam và xây dựng đường từ thị trấn Trùng Khánh đến cửa khẩu Pò Peo, huyện Trùng Khánh (Việt Nam); đẩy mạnh tuyến vận tải đường bộ quốc tế Cao Bằng (Việt Nam) - Bách Sắc (Trung Quốc).
Kết thúc hội đàm, hai bên đã ký kết biên bản ghi nhớ các nội dung, phương án thỏa thuận.
Giao lưu giữa doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp Trung Quốc.
Chiều cùng ngày đã diễn ra buổi giao lưu giữa doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp Trung Quốc. Tham dự có 41 doanh nghiệp Việt Nam tham gia hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh Cao Bằng, 17 doanh nghiệp Trung Quốc.
Doanh nghiệp hai bên trao đổi với nhau các nhóm, ngành, lĩnh vực đầu tư thương mại, xuất nhập khẩu, xây dựng, nông nghiệp, du lịch. Với tinh thần cầu thị, cởi mở, các doanh nghiệp phía Việt Nam mong muốn hợp tác xúc tiến đầu tư vào Dự án Khu trung chuyển và Khu gia công chế biến hàng xuất nhập khẩu tại cửa khẩu Trà Lĩnh (Cao Bằng); tham gia trưng bày và thông tin sản phẩm dịch vụ, thiết bị công nghệ điện, điện tử, tự động hóa; mua bán, chuyển giao công nghệ, lắp đặt thương mại sản phẩm; tìm kiếm đối tác có đơn hàng lao động tại Trung Quốc; kho bến bãi; thương mại và dịch vụ, tour du lịch...
Doanh nghiệp phía Trung Quốc mong muốn kết nối diễn đàn hợp tác Việt - Trung, thúc đẩy hai bên hợp tác toàn diện; tìm kiếm nhà đại lý phân phối sàn gỗ tại Việt Nam; mậu dịch xuất nhập khẩu; mở rộng hợp tác mậu dịch nhôm hình dạng; thu mua thuốc Bắc; trồng dâu nuôi tằm; xuất khẩu trà; dịch vụ du lịch - lữ hành, thương mại; cùng chung hợp tác khai thác kinh doanh khu hợp tác qua biên giới Mạch Ma (Trung Quốc) - Pác Bó (Việt Nam); thông qua Chính phủ để giải quyết vấn đề thông hành khu vực biên giới, mở rộng giao thương hàng hóa.
Nhân dịp này, đại diện 3 cặp doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc đã ký bản thỏa thuận hợp tác chiến lược về kinh doanh các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản và du lịch.
Tác giả bài viết: http://caobangtv.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn