10 năm hình thành và phát triển, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh đã huy động nguồn lực, tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trong Khu KTCK và KCN trên địa bàn tỉnh. Bước đầu, kết cấu hạ tầng tại Khu KTCK, KCN Cao Bằng đã và đang dần hoàn thiện, góp phần thúc đấy phát triển thương mại biên giới trong khu vực cửa khẩu.
Giai đoạn 2010-2020, Khu KTCK tỉnh Cao Bằng được lựa chọn là 1 trong 9 khu kinh tế trọng điểm của cả nước tập trung đầu tư theo Công văn số 2236/TTg-KTTH ngày 08/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư 1.293,4 tỷ đồng thực hiện 31 dự án tại Khu KTCK, KCN; đã bố trí 859,4 tỷ đồng tập trung đầu tư xây dựng, hoàn thiện các công trình, dự án phát triển kết cấu hạ tầng trọng tâm, trọng điểm, trong đó 21 dự án hoàn thành đưa vào sử dụng, 10 dự án đang triển khai thực hiện.
Các dự án hoàn thành phát huy hiệu quả rõ rệt, kết cấu hạ tầng các cửa khẩu từng bước khang trang và đồng bộ hạ tầng phần cứng, tạo thuận lợi cho phát triển thương mại dịch vụ, XNK hàng hóa trong Khu KTCK và thu hút dự án đầu tư vào Khu KTCK, KCN. Các dự án Quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch chi tiết các xã, thị trấn biên giới nơi có cửa khẩu, lối mở cũng được triển khai thực hiện hoàn thành, góp phần định hướng phát triển các ngành kinh tế, thu hút đầu tư và đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững.
Hiện nay, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh đang tập trung hoàn thành điều chỉnh dự án đầu tư công thuộc nhóm B, vốn ngân sách Trung ương theo kế hoạch cấp vốn (năm 2016-2020) cho các dự án: Trạm kiểm soát liên hợp và hạ tầng cửa khẩu Sóc Giang (Hà Quảng); Hệ thống đường giao thông chính và hạ tầng thiết yếu khác trong Khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh (Trùng Khánh): Đường vào và hệ thống xử lý nước thải Khu công nghiệp Chu Trinh (Thành phố).
Hoàn thành dự án đầu tư công thuộc nhóm C, vốn ngân sách địa phương các dự án: Đường cửa khẩu Tà Lùng (Quảng Hòa), (đoạn 10-E5-N9; A11-E6-N10; E5-E6). Cải tạo, nâng cấp một số hạng mục hạ tầng thiết yếu tại cửa khẩu Tà Lùng và Lối mở Nà Lạn, xã Đức Long (Thạch An). Tiếp tục phối hợp với các Sở, Ban, Ngành tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, để triển khai các công việc tiếp theo.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác đầu tư kết cấu hạ tầng cửa khẩu còn một số tồn tại hạn chế: Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng chậm và gặp nhiều vướng mắc, quá trình giải quyết bồi thường gặp nhiều phát sinh chưa có trong quy định cụ thể; thời gian xử lý qua nhiều cấp thẩm quyền nên công tác bàn giao mặt bằng bị chậm trễ. Đơn giá bồi thường, hỗ trợ còn thấp nên sự đồng thuận từ người có đất bị thu hồi chưa cao. Còn có hộ dân chây ỳ, kiến nghị vượt cấp gây khó khăn và cản trở bàn giao mặt bằng...
Một số đơn vị tư vấn tính chuyên nghiệp, chuyên môn chưa cao, lập hồ sơ thiết kế còn chậm. Công tác thẩm định, phê duyệt hồ sơ xây dựng công trình phải qua nhiều khâu, nhiều cấp tốn kém thời gian. Quá trình thực hiện các dự án đầu tư công nguồn vốn trung ương, thuộc nhóm B và trọng điểm của tỉnh, thực tế phải điều chỉnh dự án về phân kỳ tiến độ đầu tư, dẫn tới chi phí giải phóng mặt bằng bị tăng vượt. Tiến độ cấp vốn cho các công trình chậm, nhất là các dự án đầu tư công vốn ngân sách trung ương... Đơn cử 31 dự án đang triển khai tại Khu KTCK, KCN, mới bố trí 859,4/1.293,4 tỷ đồng.
Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư tại Khu KTCK, KCN, cần nâng cao trách nhiệm của Chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn trong quản lý vốn đầu tư; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thi công, tiến độ giải ngân vốn đầu tư. Tăng cường chỉ đạo công tác GPMB, kịp thời xử lý các vướng mắc liên quan đến cơ chế, đơn giá bồi thường cho người dân và bố trí quỹ đất để phục vụ công tác tái định cư. Đẩy mạnh phối hợp với chính quyền, mặt trận, đoàn thể các cấp tuyên truyền để quần chúng nhân dân hiểu rõ và đồng tình với chủ trương của Nhà nước trong công tác GPMB.
Để nâng cao hiệu quả công tác đầu tư vào Khu KTCK, KCN, đề nghị tỉnh quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ khai thác các nguồn vốn và bố trí vốn cho các dự án đầu tư công; điều chuyển nguồn vốn đầu tư của các dự án không có khả năng giải ngân cho các dự án có khối lượng hoàn thành nhưng chưa đủ vốn. Đơn giản hóa các thủ tục điều chỉnh dự án, rút ngắn thời gian chờ thẩm định phê duyệt điều chỉnh dự án. Chỉ đạo các địa phương phối hợp thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Đẩy mạnh phân cấp trong quản lý hoạt động đầu tư công; xem xét cân đối, bố trí đủ nguồn vốn cho các dự án theo kế hoạch...
Hạ tầng Khu KTCK Tà Lùng được đầu tư đồng bộ
Bài viết:
Nguyễn Văn Thanh – Trưởng Phòng quản lý ĐTQHXDTN&MT