Xác định thu ngân sách từ hoạt động của Khu KTCK là trọng tâm, thời gian qua, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh chủ động tham mưu cho tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng thu ngân sách, góp phần tăng thu ngân sách, thực hiện các mục tiêu phát triển KT - XH tỉnh và tái đầu tư cơ sở hạ tầng cửa khẩu.
Ban chủ động phối hợp với các sở, ngành chức năng tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư, hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, thương nhân đầu tư, kinh doanh hoạt động XNK hàng hoá tại địa bàn Khu KTCK. Đặc biệt, Ban tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND ban hành Nghị quyết quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu trên địa bàn tỉnh và các văn bản quy phạm pháp luật của UBND tỉnh quy định phối hợp quản lý nhà nước đối với công tác thu, nộp phí. Qua đó, công tác thu ngân sách trên địa bàn Khu KTCK từng bước đi vào nề nếp, là điểm sáng trong các Khu KTCK trong cả nước.
Giai đoạn 2010 - 2020, tổng các khoản thu ngân sách tại cửa khẩu, lối mở trên 3,8 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân là 9,3%/năm, góp cho tổng dự toán thu ngân sách trên địa bàn tỉnh khoảng 30-35%/năm. Hằng năm số thu đều vượt chỉ tiêu Nghị quyết HĐND đề ra, năm 2019 thu được trên 171,2 tỷ đồng, cao gấp 5,4 lần năm 2010. Trong đó, thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu 1,68 nghìn tỷ đồng. Bao gồm: Cửa khẩu Tà Lùng thu 706,5 tỷ đồng, cửa khẩu Trà Lĩnh thu 235,4 tỷ đồng, cửa khẩu Sóc Giang thu 94,8 tỷ đồng, cửa khẩu Lý Vạn thu 171,4 tỷ đồng, cửa khẩu Pò Peo thu 180,9 tỷ đồng, lối mở Nà Lạn thu 281,1 tỷ đồng, lối mở Nà Quân thu 2,5 tỷ đồng. Thu thuế XNK và các khoản thu khác thu được 2,2 nghìn tỷ đồng.
Nhìn chung, kết quả công tác thu ngân sách đối với các hoạt động tại cửa khẩu đã có sự tăng trưởng đều qua các năm và đóng góp đáng kể cho tổng dự toán thu ngân sách trên địa bàn toàn tỉnh. Tạo nguồn vốn để đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ; Thu hút hoạt động đầu tư, XNK hàng hóa tạo công ăn việc làm thu nhập ổn định cho lao động các huyện biên giới và các vùng lân cận, nâng cao đời sống nhân dân khu vực biên giới. Đảm bảo an ninh khu vực biên giới, thắt chặt mối quan hệ đoàn kết hữu nghị với các địa phương biên giới Trung Quốc - Việt Nam.
Tuy nhiên công tác thu ngân sách vẫn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc: Công tác phối hợp quản lý, giám sát hàng hóa XNK còn chưa thực sự hiệu quả đối với một số mặt hàng đặc biệt là gạo, gia súc sống xuất khẩu... Công tác giám sát thu phí còn chưa thực sự hiệu quả do hiện nay một số cửa khẩu phụ, điểm thông quan chưa có nhà trạm làm việc chung cho các lực lượng liên ngành. Hằng năm, việc bố trí vốn để đầu tư xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng trong Khu KTCK hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu để thu hút các nhà đầu tư, kinh doanh xuất nhập khẩu. Hàng hóa xuất khẩu tuy tăng nhưng còn hạn chế, chưa đa dạng về chủng loại; Việc XNK hàng nông, lâm, thủy sản mới chỉ diễn ra tại một số cửa khẩu, lối mở nhất định; Hàng nông lâm sản của địa phương tham gia xuất nhập khẩu còn nhỏ lẻ, manh mún, giá trị chưa cao... Kết quả thu không ổn định do Trung quốc tăng cường chuyển từ XNK tiểu ngạch sang chính ngạch. Đặc biệt từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hướng của dịch bệnh Covid-19, thu phí sử dụng hạ tầng cửa khẩu mới được khoảng 9 tỷ đồng, giảm 93,4% so với cùng kỳ năm 2019...
Trong những năm tới, dự báo tình hình kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn yếu tố bất ổn do cạnh tranh kinh tế, thương mại giữa các nước lớn; dịch Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp... Để tiếp tục đà tăng trưởng thu ngân sách, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh tiếp tục tăng cường công tác quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động thu, nộp phí; Tham mưu cơ chế chính sách thu, nộp và quản lý sử dụng các nguồn thu ngân sách; Tiếp tục duy trì tốt công tác phối hợp quản lý nhà nước để phát huy, khai thác hiệu quả các nguồn thu.
Chủ động tham mưu, đề xuất, vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách quản lý, thúc đẩy phát triển hoạt động thương mại biên giới, kịp thời đưa ra dự báo; Xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng tại các cửa khẩu, lối mở, đặc biệt là khu KTCK Trà Lĩnh; triển khai, thực hiện có hiệu quả công tác quản lý hoạt động tạm nhập tái xuất qua các cửa khẩu phụ, lối mở.
Tập trung thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển KTCK, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động XNK, đầu tư và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; tuyên truyền, đẩy mạnh xúc tiến thương mại và đầu tư; Rà soát, bãi bỏ, bổ sung, sửa đổi các quy định không còn phù hợp, tạo cơ chế thu hút đầu tư, khuyến khích đầu tư đủ hấp dẫn, nhất là lĩnh vực nông sản có lợi thế của tỉnh. Hỗ trợ doanh nghiệp kết nối bạn hàng, mở rộng thị trường và tổ chức hệ thống phân phối hàng hóa qua các cửa khẩu, điểm chợ biên giới; Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động XNK hàng hóa qua Khu KTCK.
Xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Tà Lùng
Bài viết: Đàm Quang Lợi - Trưởng Phòng kế hoạch Tổng hợp
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://banqlkkt.caobang.gov.vn là vi phạm bản quyền