Để thực hiện Đề án số 11-ĐA/TU ngày 08/11/2018 của Tỉnh ủy Cao Bằng về sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đối với cơ quan hành chính Nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện trên địa bàn tỉnh Cao Bằng theo Nghị quyết số 18-NQ/TW và Đề án thực hiện Đề án số 12-ĐA/TU ngày 08/11/2018 của Tỉnh ủy Cao Bằng về sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc hệ thống hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Cao Bằng theo Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Cao Bằng đã ban hành Kế hoạch số 1731/KH-BQL ngày 29 tháng 11 năm 2018, trong đó nêu rõ lộ trình, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện.
Kết quả bước đầu
Xác định công tác sắp xếp tổ chức, bộ máy là nhiệm vụ trọng tâm, cần thực hiện quyết liệt nhưng cũng cần có lộ trình, bước đi vững chắc, đáp ứng yêu cầu cả trước mắt và lâu dài, phù hợp với thực tiễn của cơ quan. Trên cơ sở quán triệt và nắm vững các quan điểm, mục tiêu về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, qua gần một năm thực hiện bước đầu Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
* Kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong của cơ quan, đơn vị:
Đối với các phòng chuyên môn thuộc Ban quản lý Khu kinh tế: Giảm từ 06 phòng xuống còn 03 phòng: Văn phòng; Phòng Kế hoạch - Tổng hợp (trên cơ sở sáp nhập phòng Kế hoạch- Tổng hợp và phòng Quản lý doanh nghiệp); Phòng Phòng Quản lý Đầu tư, quy hoạch xây dựng; tài nguyên và môi trường (trên cơ sở sáp nhập phòng Quản lý đầu tư, phòng quản lý quy hoạch và xây dựng, phòng quản lý tài nguyên và môi trường).
Đối với các Ban quản lý cửa khẩu trực thuộc: Giữ nguyên 04 Ban quản lý cửa khẩu tuy nhiên không để các phòng thuộc các đơn vị trực thuộc. Tổng số phòng thuộc 4 Ban quản lý cửa khẩu từ 8 phòng giảm xuống còn 0 phòng.
Đối với đơn vị sự nghiệp: Hiện nay Ban quản lý đã xây dựng dự thảo Đề án chuyển đổi mô hình hoạt động của Trung tâm gửi Sở Tài chính thẩm định. Sau khi được phê duyệt, Ban Quản lý sẽ chỉ đạo Trung tâm hoạt động theo mô hình tự chủ 100% theo Đề án được phê duyệt.
* Kết quả rà soát, sửa đổi, bổ sung, chức năng, nhiệm vụ cơ quan:
Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý Khu kinh tế đã được Chủ tịch UBND tỉnh ký ban hành theo Quyết định số 05/2019/QĐ-UBND ngày 17/4/2019. Trên cơ sở đó, Ban Quản lý khu kinh tế đã xây dựng và ban hành Quyết định số 1028/QĐ-BQL ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Cao Bằng về việc Ban hành Quy định, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của các phòng, ban, đơn vị trực thuộc Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Cao Bằng. Hiện nay, Ban đang triển khai xây dựng quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc trình Chủ tịch UBND tỉnh ra Quyết định ban hành.
Một số vấn đề đặt ra
Hiện nay, trong quá trình thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tồn tại, khó khăn không chỉ riêng đối với Ban Quản lý khu kinh tế đó là các văn bản, quy định, hướng dẫn của Trung ương về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế khi thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, 19-NQ/TW còn thiếu. Việc quy định số lượng biên chế tối thiểu trên một phòng còn bất cập. Đối với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh thì số lượng biên chế tối thiểu/phòng chỉ cần từ 5 biên chế trở lên được thành lập một phòng. Tuy nhiên, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh thực hiện theo Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế thì việc thành lập phòng chuyên môn, nghiệp vụ theo khối lượng công việc yêu cầu bố trí tối thiểu 07 biên chế trở lên. Với số lượng biên chế hàng năm được giao ngày càng giảm (đến năm 2021 còn 35 biên chế), khối lượng công việc ngày càng tăng, áp lực công việc ngày càng nhiều thì việc bố trí biên chế công chức tại các phòng, các Ban Quản lý cửa khẩu để đảm bảo số lượng tối thiểu theo quy định trên là rất khó khăn. Xác định rõ điều này, trong thời gian tới Đảng ủy, lãnh đạo Ban cần tiếp tục xây dựng phương án bố trí công chức, viên chức đảm nhiệm những vị trí phù hợp, tạo động lực làm việc, tăng cường tính chủ động trong công tác tham mưu của công chức; đưa ra những giải pháp góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các Ban Quản lý cửa khẩu.
Đối với mô hình hoạt động tự chủ 100% của Trung tâm quản lý và Khai thác dịch vụ hạ tầng khu kinh tế: Sau khi Đề án chuyển đổi cơ chế hoạt động của Trung tâm Quản lý và Khai thác Dịch vụ hạ tầng khu kinh tế được phê duyệt, việc thực hiện cơ chế tự chủ 100% bước đầu sẽ đặt ra rất nhiều khó khăn, thách thức, một số viên chức sẽ chưa đủ niềm tin vào hiệu quả hoạt động của mô hình này có thể có tâm lý dao động. Vì vậy, một vấn đề đặt ra đối với cấp ủy cũng như lãnh đạo Ban là phải quyết liệt, sâu sát trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tạo niềm tin vào tính ổn định của hệ thống cho viên chức và người lao động yên tâm làm việc; phòng chuyên môn hướng dẫn sát sao đối với công tác nghiệp vụ; lãnh đạo Trung tâm cần phát huy hơn nữa tính chủ động, năng động, sáng tạo, tạo thêm nhiều việc làm trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ đã quy định nhằm góp phần tăng thu nhập cho viên chức và người lao động.
Đây là những vấn đề thực tiễn đang đặt ra. Tuy nhiên, với quyết tâm chính trị cao, với mục tiêu đúng đắn là tinh gọn bộ máy để hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân tốt hơn, Nghị quyết 18-NQ/TW và nghị quyết số 19-NQ/TW sẽ được đảng viên, công chức, viên chức và người lao động Ban Quản lý Khu kinh tế Cao Bằng chấp hành thực hiện nghiêm túc, để Nghị quyết đi vào cuộc sống./.
Tác giả: Nguyễn Thị Huê - Phó Chánh văn phòng Ban