Theo đánh giá, hơn 02 năm triển khai, công tác phối hợp giữa Ban Quản lý khu kinh tế với UBND huyện trong các lĩnh vực quản lý quy hoạch, xây dựng; quản lý đầu tư, xúc tiến; lao động, an ninh trật tự và kiểm tra giám sát doanh nghiệp; đất đai và môi trường; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng trong khu vực cửa khẩu Sóc Giang và công tác đối ngoại diễn ra nhịp nhàng, chặt chẽ và được các đơn vị thực hiện thường xuyên, liên tục đem lại hiệu quả thiết thực trong công tác quản lý nhà nước khu vực cửa khẩu.
Tại cuộc họp hai bên đã thống nhất một số nội dung, cụ thể như sau:
1. Việc phối hợp trong công tác quản lý đầu tư giữa Ban Quản lý với UBND huyên được thực hiện tốt. Hàng năm, Ban Quản lý đều phối hợp với UBND huyện trong việc xác định địa điểm đầu tư, xin ý kiến của Huyện về hồ sơ dự án của Nhà đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư để trình cấp có thẩm quyền chấp thuận địa điểm thực hiện dự án đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư dự án. Đồng thời, Ban Quản lý còn phối hợp với các sở ngành liên quan kịp thời hỗ trợ nhà đầu tư giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư để sớm đi vào xây dựng và hoạt động.
2. Công tác quản lý đất đai và môi trường: Việc triển khai, thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với các dự án trong địa bàn Khu kinh tế được Ban Quản lý, các sở, ngành có liên quan và chính quyền địa phương quan tâm phối hợp chặt chẽ, thường xuyên.
3. Công tác quản lý quy hoạch xây dựng: Ban Quản lý khu kinh tế chịu trách nhiệm về tình hình vi phạm trật tự xây dựng đối với công trình do mình cấp phép xây dựng và quản lý xây dựng theo quy hoạch đối với dự án của các nhà đầu tư vào Khu kinh tế cửa khẩu. UBND huyện đối với công tác phối hợp với Ban Quản lý cửa khẩu kiểm tra các công trình xây dựng của hộ gia đình, cá nhân trong khu Kinh tế cửa khẩu và xử lý các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền.
4. Trong công tác kiểm tra, giám sát doanh nghiệp: Ban Quản lý Khu kinh tế đã phối hợp với các sở, ngành và địa phương liên quan, kiểm tra và yêu cầu Doanh nghiệp thực hiện tốt các quy định về đầu tư và các thủ tục liên quan; yêu cầu các nhà đầu tư thực hiện đúng cam kết đã ghi trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
5. Đối với công tác đối ngoại: Ban Quản lý Khu kinh tế và UBND huyện Hà Quảng đã cùng nhau phối hợp trao đổi để thống nhất những nội dung khi tổ chức tiến hành Hội đàm giữa hai bên như việc xây cầu chuyên dụng xuất khẩu Sóc Giang – Bình Mãng, Hội đàm định kỳ giữa chính quyền địa phương huyện Hà Quảng và Huyện Nà Po; Hội đàm định kỳ giữa Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Cao Bằng với Ban Quản lý Khu thí điểm dọc biên giới Thành phố Bách Sắc- TQ.
Với những kết quả đạt được nêu trên, tuy nhiên vẫn tồn tại những hạn chế: việc triển khai thực hiện chương trình phối hợp còn chậm, chưa kịp thời, phương pháp phối hợp chưa thường xuyên, thiếu linh hoạt, chưa được quan tâm đúng mức. Việc phối hợp giữa Ban Quản lý cửa khẩu với các phòng, ban chuyên môn của huyện đã có bước tiến rõ rệt. Tuy nhiên, vẫn còn một số vụ giải quyết chưa rõ, chưa kịp thời, công tác tham mưu có lúc còn chậm, nhất là trong lĩnh vực quản lý đất đai và môi trường. Hiện nay, còn có một số hộ dân xây công trình nhà ở vi phạm quy hoạch xây dựng nhưng chưa được nhắc nhở, lập biên bản và xử lý theo đúng quy định, dẫn tới hiện tượng cố tình vi phạm xây dựng công trình nhà ở và một số công trình bến bãi tạm thời. Công tác giải phóng mặt bằng còn gặp khó khăn, một số hộ dân không nhận tiền bồi thường gửi đơn khiếu nại lên cấp trên.Công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát các hoạt động của doanh nghiệp sau cấp phép có lúc chưa phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng giữa các cơ quan có thẩm quyền.
Trên cơ sở những kết quả đạt được và những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện chương trình phối hợp. Đ/c Bế Đăng Khoa- Bí thư Huyện ủy đề nghị Ban quản lý khu kinh tế và UBND huyện trong thời gian tới, sẽ tăng cường hơn nữa công tác phối hợp trong các lĩnh vực về quy hoạch và xây dựng; trong việc quản lý đất đã quy hoạch, công tác thu hồi và bồi thường giải phóng mặt bằng… Thường xuyên phối hợp tuyên truyền, đối thoại, vận động nhân dân trong khu kinh tế cửa khẩu hiểu vai trò, ý nghĩa nhằm tạo sự đồng thuận cao trong thu hút các dự án đầu tư vào Khu kinh tế khi Nhà nước thực hiện thu hồi đất phục vụ dự án phát triển kinh tế, xã hội.
Tại cuộc họp này, các đại biểu cũng đã đóng góp ý kiến sửa đổi, bổ sung Chương trình phối hợp giữa Ban Quản lý với UBND huyện về quản lý nhà nước tại Khu kinh tế cửa khẩu, phù hợp với các quy định mới của pháp luật về quản lý đầu tư, đất đai và môi trường, quy hoạch và xây dựng; đồng thời, sát với thực tiễn quản lý nhà nước về Khu kinh tế cửa khẩu, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan có liên quan trong công tác phối hợp. Đồng thời kiến nghị UBND tỉnh xem xét điều chỉnh quy hoạch cửa khẩu Sóc Giang cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn và sớm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng để làm cơ sở cho việc quản lý nhà nước; đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án đầu tư cơ sở hạ tầng khu vực cửa khẩu Sóc Giang để đáp ứng nhu cầu hoạt động xuất nhập khẩu, các hoạt động dịch vụ thương mại và du lịch ngày một tăng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của một huyện biên giới./.
Tác giả bài viết: Lô Minh Tuyên – Trưởng phòng Quản lý đầu tư
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn